Sớm xuân dịu nhẹ vừa tỉnh giấc, mở cửa ra gặp ngay cơn gió ào vào phòng mang theo một chút bụi mờ trêu ghẹo làn tóc còn đang rối… Chợt nhận ra những ngày Tết đang đến thật gần. Bâng khuâng trong đầu một câu hỏi: “Tết có mùi gì nhỉ?”. Tết có nhiều mùi hương khiến người ta mới nghĩ đến thôi cũng đã nao lòng.
Mùi Tết không thể thiếu hương mùi già từ nồi nước thơm mẹ nấu để cả nhà tắm tất niên và rửa mặt đầu năm mới. Người ta gọi mùi già là mùi của đêm 30, của nồi nước tắm tất niên truyền từ ông bà, mẹ cha, sang đến đời cháu con. Hương mùi xông khắp căn phòng dịu êm như gột rửa cả tâm hồn, cuốn đi những ưu phiền sân si suốt một năm, để con người cảm thấy như mình thanh sạch vô ngần cho những điều mới mẻ.
Tết còn là mùi của nhang khói, 3 ngày Tết mẹ thắp hương rì rầm tiếng khấn vái, mùi hương lan tỏa trong căn nhà thấy ấm êm đến độ đong đầy mọi cảm xúc. Mùi hương cảm giác như dày hơn, nồng hơn, cứng cỏi hơn, lại thêm chút hoài cổ. Khói hương quẩn quanh như níu chân người ta lại khỏi những bộn bề chộn rộn, muốn người ta gắn bó với nhà cửa thân thương hơn. Mẹ cầu xin sức khỏe, cầu bình an, mùi hương như sự che chở rất đỗi vô hình.
Dư vị ngày Tết không thể thiếu mùi đồ ăn: mùi nem rán bay trong góc bếp, mùi canh măng, mùi hăng nhẹ của hành muối, vị thơm của mứt Tết, bánh chưng làm từ gạo, lá dong,…đủ để khiến người ta vừa bâng khuâng, vừa háo hức. Để rồi khiến những kẻ tha hương mỗi khi Tết đến lần dở kí ức để thấy thứ mùi bay trong tâm trí đến độ thiết tha một cảm xúc không thể gọi tên.
Có một thứ mùi Tết mà trẻ nhỏ ai cũng nhớ mãi, đó là mùi áo mới. Ngày xưa Tết mới có quần áo mới mà quần áo mới có cái mùi đặc trưng thơm nhẹ. Trẻ thơ xúng xính áo mới và hít hà cái mùi trong một sự tự mãn về phong cách. Đó hẳn là bộ quần áo háo hức và nhiều mong đợi nhất trong cuộc đời.
Mùi của Tết có một thứ đặc biệt đến độ mà ai cũng công nhận không có nó không thể gọi là Tết đó hẳn nhiên nó là mùi sum vầy. Tết là để người ta nhắc rằng chúng ta đã có một tuổi thơ ngọt ngào được nuôi dưỡng bằng tình yêu của mẹ cha mà muốn về ngay nhà, trong gian nhà cũ kĩ, trong những mùi vị Tết nhớ thương. Nhà mình – nơi ấy có mẹ, có cha, có những yêu thương vô điều kiện được gói ghém ở đó để về mở ra là một phép nhiệm màu của sự tha thứ, bao dung, nhẫn nại bung tỏa.
Ôi mùi hương tết! Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày – hân hoan ba ngày tết, không hiểu sao khi thoáng nghe mùi hương lòng ta lại bồi hồi xúc động, cảm giác năm nào cũng như mới lần đầu, mỗi năm mỗi mới, lòng luôn đầy ắp cả sự sung sướng thích thú vui vẻ và tràn trề hạnh phúc.
Có lẽ viết bao nhiêu cũng không đủ cho mùi tết với bao nỗi nhung nhớ thổn thức đong đầy mùi vị tết. Có những giá trị tinh thần của ngày Tết không dễ nhìn thấy như những thứ vật chất, cơm áo. Bởi nó mong manh như mùi hương đặc trưng, mở ra những miền tâm hồn, những nỗi nhớ, những hồi ức mà chỉ khi sống chậm lại, lắng tâm hồn mình, ta mới nhận ra.
Tác giả: Cô Nguyễn Thúy – GV Ngữ văn khối THPT, tổ Xã hội